(Hà Nội) Ngày 20 tháng 11 năm 2024 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức lễ công bố chính thức Kế hoạch Hành động Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là VECAP 2022). VECAP 2022 nhằm mục tiêu bảo tồn loài voi hoang dã và voi nuôi nhốt, thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng địa phương, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đối với Tuyên bố Kathmandu về bảo tồn voi châu Á.
Tham dự lễ công bố, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị; đại diện lãnh các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn; đại diện các bộ, ngành liên quan và các tỉnh có voi phân bố như Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam); đại diện các tổ chức phi chính phủ HIS, WWF, AAF, Traffic, WCS, FFI…; đại diện từ các trường đại học lâm nghiệp, Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật, Bảo tàng Tài nguyên rừng cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Về phía Hội Bảo vệ Động vật Việt Nam có Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Hợp tác quốc tế tham dự sự kiện.
Cần sự chung tay để hành động bảo vệ loài voi
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh thông điệp: “Để bảo vệ loài voi, cần sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế. Đây là chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái rừng”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, chung sống hài hòa với thiên nhiên và muôn loài là mục tiêu chung của cộng đồng toàn cầu, và khi áp dụng cho loài voi châu Á tại Việt Nam, mục tiêu đó càng trở nên cấp bách. Vì vậy, phải hành động để bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng và học cách sống hòa hợp với chúng, nhằm ngăn chặn những xung đột giữa con người và loài vật này. Sự chung sống hài hòa không chỉ là phương thức mà còn là đích đến trong hành trình bảo tồn loài voi tại Việt Nam.
Trong các năm từ 1996, 2006, 2012, 2013 và 2022, Việt Nam đã ban hành chương trình hành động cấp Bộ và ba kế hoạch, đề án cấp Chính phủ để bảo tồn voi do tầm quan trọng của loài này. Tương ứng với từng giai đoạn, công tác bảo tồn voi đã có những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt vào năm 2019, Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa được tiến hành tiên phong tại tỉnh Đồng Nai, với 3 sáng kiến “Giám sát voi bằng bẫy ảnh”; “Giám sát xung đột voi người” nhằm cải thiện việc quản lý hiện tại hướng tới chung sống hài hòa và “Quản lý vùng sống và sinh cảnh của voi”.
Theo bà Cindy Dent, Phó Chủ tịch Văn phòng các quốc gia của HSI, VECAP 2022 là một dấu mốc quan trọng trong sứ mệnh bảo vệ voi nguy cấp của HSI tại Việt Nam… Bằng cách kết hợp các nghiên cứu khoa học với các chiến lược do cộng đồng đề xuất, các giải pháp bền vững có lợi cho cả voi và người dân địa phương được đưa ra. HSI đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ việc thực hiện VECAP 2022, hướng tới chung sống hài hòa giữa voi hoang dã và người tại Việt Nam, cùng nhau đảm bảo một tương lai nơi loài voi không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.
Cũng tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo các tỉnh có voi phân bố, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các viện, trường đã phát biểu cam kết đồng hành và hỗ trợ thực hiện thành công Kế hoạch VECAP 2022, trong đó có những giải pháp căn bản để bảo tồn loài voi và giảm thiểu xung đột với người, tập trung, tăng cường phúc lợi động vật trên voi và sinh sản voi nuôi.
VECAP 2022 được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Humane Society International (HSI) từ năm 2019. Kế hoạch bao gồm 33 nhóm giải pháp bảo tồn voi hoang dã và 21 nhóm giải pháp bảo tồn voi nuôi nhốt, với các hành động cụ thể được triển khai từ nay đến năm 2035. VECAP 2022 nhằm mở rộng hệ thống khu bảo tồn, tăng cường biện pháp chống săn bắt, phát triển du lịch sinh thái để hỗ trợ công tác bảo tồn. VECAP 2022 có các mục tiêu dài hạn bao gồm bảo vệ môi trường sống tự nhiên của voi và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ loài voi, đồng thời tạo ra nền tảng vững chắc để thực hiện chiến lược này. |
VAWA